Giáo xứ Kim ngọc, an táng 3 em thiếu nhi

Đăng lúc: Thứ hai - 02/01/2017 02:56 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
BÀI CHIA SẺ LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT 1.1.2017
NGHI THỨC AN TÁNG 3 CHÁU TÔMA – GIUSE –RÔCÔ

Nhà thờ  Kim Ngọc


Tôi đã dự nhiều đám tang, mỗi đám mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi đám tang đều gieo vào lòng tôi một nỗi buồn tê tái. Đối với tôi đây là lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần đầu tiên đối với giáo xứ chúng ta: lễ an táng cho 3 em thiếu nhi một lần. Ai cũng ngậm ngùi xót xa, chia sẻ nỗi đau mất mát quá lớn của 2 gia đình tang quyến.

hình ảnh

- Tôma Võ Quốc Tuấn, sinh năm 2004, 12 tuổi đang học lớp 6.
- Giuse Võ Ngọc Tú, sinh năm 2006, 10 tuổi, đang học lớp 4.
- Rôcô Lê Thanh Long, sinh năm 2007, 9 tuổi, đang học lớp 3.

Gia đình cho biết, ngày thứ sáu 30/12, sau khi thi xong họ kỳ I buổi sáng,Tuấn và Tú cùng Long đã đi đến nhà dì Hai của Long ở xóm Sài Quỳ để chơi. Tại đây cả ba xuống một bàu nước gần nhà dì Hai tắm và dượng Hai đã cản, yêu cầu về nhà. Trên đường về cả 3 lọt xuống ao nước tưới thanh long của nhà bà Võ Thị Mai cho đến khi được phát hiện.
Khoảng 17 giờ,tại khu vực ao nước của nhà bà Mai, chị Tình một người hàng xóm phát hiện đôi dép, cái mũ cùng một điện thoại để trên bờ liên tục reo, trong khi phía dưới ao có một cái mũ nổi trên mặt nước. Linh tính điều không lành, chị Tình đi kêu người sau đó bắt máy nghe điện thoại. Khi được chị Tình thông báo về việc phát hiện mũ dép và điện thoại trên bờ, vợ chồng chị Sử đã đến nơi. Khi vớt xác lên, các em vẫn còn mặc nguyên quần áo như lúc rời khỏi nhà. Theo những người lặn tìm thi thể các em, nhiều khả năng 2 em Tú và Long chạy đùa giỡn và chẳng may trượt chân rơi xuống, Tuấn sau đó đã bỏ mũ dép điện thoại trên bờ nhảy xuống cứu hai em nhưng cả 3 đều tử vong.

Cả 2 gia đình đều nghèo khó, giáo xứ giúp nhà tình thương. Nỗi đau quá lớn cho 2 gia đình. Anh chị Võ Văn Nhị và Phạm Kim Sử chỉ có 2 con là Tuấn và Tú. Anh chị Huỳnh Văn Lượm và Lê Thị Thu Hương có 3 con, Long là con thứ hai. Tuấn đã xưng tội rước lễ lần đầu còn Tú và Long đang học lớp giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu.

Cái chết đến không khoan nhượng, không xót thương, nó làm chia lìa mọi thứ tình yêu, phân ly mọi mối quan hệ, sụp đổ mọi ước mơ, mọi dự tính tương lai.

Cả 3 em đã đã ra đi vĩnh viễn để lại niềm thương tiếc cho gia đình và chúng ta.

Có bài thơ viết:

Thời gian là liều thuốc.
Xoa dịu đi nổi đau.
Thời gian làm giọt lệ.
Rồi cũng phải khô mau.
Tim người dầu tan vỡ.
Thời gian sẽ và khâu.

Thời gian có thể chữa lành tất cả nhưng khó có thể chữa lành nỗi đau thương mất mát con cái của 2 gia đình. Thời gian khó làm phai nhạt tình thương yêu. Bên ngọn nến lung linh trên quan tài, mỗi người vẫn thấy hình bóng của 3 cháu toả vào ký ức những nhớ thương.

Trước sự chết, ai cũng hỏi, tại sao? Sự chết không hẹn ngày chỉ giờ cho ai cả. Nó không ấn định năm tháng và cũng chẳng đếm xỉa gì đến tuổi tác. Nó đến bất ngờ làm chúng ta kinh ngạc. Sự sống và sự chết là hai thái cực đối chọi nhau. Thiên Chúa làm ra sự sống nhưng tội lỗi đã khởi phát sự chết. Sự sống và sự chết đều là kỳ công của Tạo Hoá. Con người không thể làm ra được sự sống và cũng không tài nào cản ngăn được sự chết.

Có một cuốn sách kể câu chuyện giả tưởng. Ngày tận thế, hàng tỉ người chầu trước ngai Thiên Chúa để chờ phán xét.
Một cô gái Do thái là nạn nhân của cuộc diệt chủng thời Hitler, giận dữ lên tiếng: tại sao Thiên Chúa có quyền phán xét tôi? Ngài làm sao biết được đau khổ là gì? Còn tôi, tôi đã bị tra tấn, bị hành hạ và bị giết chết.
Một người da đen lên tiếng tiếp theo: tôi chẳng có tội gì cả, tụi da trắng treo cổ tôi chỉ vì tôi là người da đen.
Một học sinh phàn nàn: tại sao tôi phải đau khổ? Đâu phải lỗi của tôi, chỉ vì thằng phản bội đã lừa dối tôi.

Mọi người đều nhao nhao phản đối Thiên Chúa. Họ đòi Ngài phải xuống trần gian làm người, phải sinh ra là người Do thái để bị bách hại, phải bị bạn bè thân thiết phản bội, phải bị kết án tử hình dù vô tội, phải chịu tra tấn đánh đòn, cuối cùng phải chết tức tưởi thảm thương.

Lúc đầu mọi người vỗ tay ủng hộ. Nhưng bỗng họ im lặng, im lặng kéo dài. Cuối cùng mọi người nhận ra rằng, chính Chúa Giêsu đã thực hiện những gì họ đòi hỏi từ hơn hai ngàn năm trước. Chúa Giêsu đã trải qua, đã gánh vác quá nhiều kinh nghiệm đau đớn và bây giờ Chúa Giêsu luôn cảm thông ủi an nâng đỡ. Gia đình tang quyến hãy đến với Ngài: ”Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con”.

Khi thuật lại phép lạ Chúa Giêsu làm cho con gái ông thủ lãnh, thánh Matthêu viết: Chúa đến nhà viên thủ lãnh, thấy mọi người xôn xao, Ngài nói: con bé có chết đâu, nó đang ngũ đó. Nhưng họ chế nhạo Ngài. Khi đám đông bị đuổi ra ngoài, thì Ngài tiến lại cầm tay con bé, tức thì nó liền chỗi dậy và tin ấy đồn khắp cả vùng (Mt 9,23-26); con gái ông trưởng hội đường đã chết, Chúa bảo ông: ông đừng sợ chỉ cần tin thôi. Chúa cầm tay con bé và lên tiếng gọi: này bé, chỗi dậy đi. Con bé chỗi dậy ngay và Chúa bảo cho nó ăn (Lc 8, 40-42).

Hôm nay đứng trước 3 quan tài này, giả như chúng ta nói được như Chúa Giêsu: 3 cháu bé không chết đâu, nhưng chỉ ngũ đó thôi, thì thật hạnh phúc biết bao. Không ai trong chúng ta có được khả năng ấy. Chúng ta chỉ là con người phàm trần với thân phận cát bụi. Tuy nhiên chỉ có một điều chúng ta có thể làm như Chúa Giêsu là nói với thân nhân của các bé như Chúa nói với ông trưởng hội đường: đừng sợ chỉ cần tin thôi.

Niềm tin vào Chúa Giêsu đã chết và sống lại là niềm hy vọng lớn lao cho người kitô hữu: “Thầy là sự sống và là sự sống lại. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ sống và ai sống mà tin vào Thầy sẽ không chết bao giờ”. Chúa Giêsu đã kinh qua khổ đau kiếp người, cái chết thập giá và sự phục sinh của Ngài đã tiêu diệt nguồn gốc sự chết và ban sự sống mới. Cái chết của Chúa Giêsu đã trở nên của lễ hiến dâng trọn vẹn, một lễ hy sinh tuyệt hảo. Tất cả sự đắng cay, chua xót, tất cả sự âu lo phiền muộn của sự chết đã trở thành phẩm vật tặng hiến cao quý và giờ chết trở thành giờ khởi điểm hạnh phúc trường sinh.

3 cháu bé đã bước qua ngưỡng cửa sự chết để vào sự sống vĩnh hằng. Chúa Giêsu động viên: các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên chúa, hãy tin vào Thầy.

3 cháu bé mất đi, nhưng chúng ta vẫn gặp gỡ trong thánh lễ, trong kinh nguyện hàng ngày.

3 cháu bé ra đi trong lòng mến, chúng ta ở lại trong lòng tin. Cái chết như một huyền nhiệm, như nhịp cầu đưa các cháu ra đi về Nhà Cha trên trời, nơi yên nghĩ muôn đời, đợi ngày tái ngộ trong cõi vĩnh hằng.

Chúng ta tin rằng, 3 cháu bé nằm trong quan tài đây thực sự đang ngũ, một giấc ngũ ngàn thu, nhưng vẫn có ngày chỗi dậy đó là ngày Chúa quang lâm. Như thế có thể hát lên với Ông Gióp : Tôi tin rằng đấng cứu chuộc tôi hằng sống,và ngày tận thế,từ bụi đất, tôi sẽ đứng lên, một ngày kia chính trong trong thân xác này tôi sẽ được nhìn thấy Chúa, đấng cứu độ tôi.

Lời nguyện cầu của cộng đoàn là lễ vật là hương thơm bay lên chốn huyền siêu trước tôn nhan Đấng Tối Cao. Xin Chúa đoái thương đón nhận và dẫn đưa 3 cháu bé về dự tiệc vui muôn đời.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận