Giáo Dục Phát Triển Toàn Diện: Suy Ngẫm Từ Truyền Thống Cho Hiện Đại

Đăng lúc: Chủ nhật - 22/04/2018 14:34 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN: SUY NGẪM TỪ TRUYỀN THỐNG CHO HIỆN ĐẠI


 

Want create site? Find Free WordPress Themes and plugins.

Lối vào…

Đã từ rất lâu, xem ra có nhiều người, kể cả một số nhà nghiên cứu, đang giới hạn nội hàm của từ ngữ này vào trong quá trình dạy học. Vì thế, nhiều người vẫn tiếp tục phê bình, chỉ trích, bi quan… về thực trạng của một nền giáo dục tại Việt Nam hiện nay. Thậm chí, không ít người còn đưa ra những ý kiến phê bình về những hệ quả tiêu cực của nền văn hoá Việt Nam đã và đang tác động trên nền giáo dục hiện nay. Từ ngữ “giáo dục” gần đây đang được bàn đến rất nhiều tại Việt Nam. Nhiều ý kiến, quan điểm được trình bày với nhiều sắc thái: vui/buồn, thất vọng/hy vọng, bi quan/lạc quan… của các tác giả. Kể từ ngày thư chung 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được ban hành, những Kitô hữu, cách này cách khác, cũng bắt đầu quan tâm tới nó. Tuy nhiên, cách nhìn nhận đánh giá của những kitô hữu cũng chẳng lấy gì lạc quan hơn, ngoài những tiếng than thở về một nền giáo dục xem ra có nhiều vấn đề của nước nhà. Thế thì làm gì để thay đổi nó đi. Câu trả lời vẫn cứ là: chính quyền chưa cho làm. Chẳng lẽ, thư chung chỉ gợi lên cho chúng ta những bi quan thế thôi sao? Hay có trục trặc gì đó trong cách nhìn nhận vấn đề? Với bản thân tôi, trục trặc chính để chưa tìm ra lối đi lạc quan hơn nằm ở chính chỗ hiểu nội hàm của từ ngữ “giáo dục”.

Từ ngữ “giáo dục”, cách chính xác hơn, được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa rộng, giáo dục là toàn bộ quá trình hình thành nhân cách con người. Nói cách khác, đó là quá trình thúc đẩy phát triển con người cách toàn diện. Quá trình này được tiến hành qua hai lĩnh vực hoạt động: dạy học và giáo dục (hiểu theo nghĩa hẹp). Kết quả của quá trình giáo dục theo nghĩa hẹp được xem xét không chỉ về mặt ý thức nhưng còn được căn cứ vào chính trình độ phát triển toàn diện của từng mỗi cá nhân trong mối liên hệ với toàn xã hội. Quá trình này không chỉ thực hiện ở nhà trường nhưng, trên thực tế, nó được thể hiện trong toàn bộ cuộc sống của con người nơi gia đình, cộng đồng, tôn giáo… Cũng chính nơi những môi trường này, mà quá trình giáo dục (nghĩa hẹp), được thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Trong phạm vi bài viết, chúng tôi muốn dừng lại ở khái niệm giáo dục hiểu theo nghĩa hẹp để qua những suy ngẫm khởi đi từ truyền thống văn hoá Việt Nam – đã và đang bị lãng quên, thử đi tìm một định hướng góp phần giúp các Kitô hữu sống lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong việc giáo dục phát triển toàn diện những con người Kitô hữu Việt nam.

 

 

Chút ngẫm suy

1. Trước tiên, tận trong tâm khảm của tiền nhân Việt Nam, công trình giáo dục con người rất được xem trọng. Một công trình, theo các bậc tiền nhân, phải được bắt đầu từ rất sớm trong môi trường gia đình: “Uốn cây từ thuở còn non. Dạy con từ thuở con còn trẻ thơ”.

Nguyên tắc giáo dục này, cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị của nó. Đa phần các học thuyết phát triển nhân cách hiện đại – dù nhìn từ góc độ nào – cũng đều nhìn nhận rằng thời thơ ấu sẽ quyết định rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con người.

Nếu xét từ góc độ của khoa học tâm lý và giáo dục hiện đại, chúng tôi cũng có thể nói rằng, công trình này đã được người xưa coi trọng từ trong bào thai. Những kinh nghiệm của ông bà dặn dò con dâu khi mang thai như: giữ cho cái tâm an bình, chiêm ngắm cái đẹp của con trẻ,… dù chẳng phải là những giáo án đúng nghĩa, nhưng cũng đã góp phần rất lớn cho công cuộc mà khoa học hiện đại gọi bằng tên gọi “thai giáo”.

Đàng khác, xét từ quan điểm của nhà tâm lý học nhân văn Abraham Maslow, sự quan tâm tới con trẻ của người xưa, quả là đã góp phần rất lớn cho tiến trình phát triển của trẻ: từ việc thỏa mãn nhu cầu thể chất, đi tới nhu cầu an toàn, sang nhu cầu yêu và được yêu. Như thế, cách giáo dục của tiền nhân đã thúc đẩy trẻ đi vượt bậc thang nhu cầu của con người mà, chỉ cần đóng góp thêm phần của quá trình dạy học, trẻ rất sớm bước vào việc đạt tới nhu cầu kế tiếp là lòng tự trọng để đi tới thang bậc cuối cùng là hoàn thiện nhân cách của mình.

Lý thuyết hành vi của Watson và sau này của Skinner – khởi từ những khám phá của Thorndike và Paplov về phản xạ có điều kiện cũng đang là một minh chứng sống động cho truyền thống: “dạy con từ thuở còn thơ” của tiền nhân Việt nam. Quá trình học tập chính là quá trình tập quen của trẻ. Sự phát triển những phản xạ có điều kiện của trẻ đã diễn ra từ rất sớm. Một thói quen tốt, một cung cách sống những giá trị đạo đức Kitô giáo…không phải đợi tới khi đến trường nhưng đã được trẻ “tập quen” từ khi rất nhỏ. Đây là công việc của những nhà giáo dục tại gia. Thư chung cũng đã minh xác điều này: “… tại gia đình, đức tin được truyền thụ bằng phương pháp tiếp cận và thực hành, những bài học được giảng dạy ngay giữa thực tế,…” [1].

Công đồng chung Vaticanô II, trong “Tuyên ngôn về giáo dục”, đã khẳng định: “Chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho toàn thể” [2].

Thực tế hiện tại lại cho thấy một thiếu sót đáng kể của truyền thống này. Những cha mẹ trẻ hiện nay, thay vì chú ý tới tiến trình giáo dục từ trẻ thơ để phát triển toàn diện lại nhắm tới con đường học tập qua quá trình dạy học. Không phải các bậc cha mẹ trẻ không biết, nhưng dường như họ không có những kỹ năng cần thiết để thực hiện thiên chức “giáo dục” này của mình. Chính thế, họ đành giao phó con cái họ cho môi trường học đường với hy vọng những nhà chuyên môn khá hơn họ.

Vì thế, trẻ thơ thay vì được sống trong môi trường “giáo dục” lại được đặt vào trong quá trình dạy – học từ rất sớm; và thậm chí, quá tải với sự phát triển trí tuệ của chúng. Đây chính là yếu tố làm cho trẻ đánh mất dần đi những nhu cầu – theo tháp nhu cầu của A. Maslow. Hơn nữa, thay vì “tập quen” với những giá trị đạo đức, trẻ đã vội vã bị thúc đẩy bước vào quá trình tập quen với những “kỹ năng tính toán” với nhiều kiểu, nhiều dạng thức rất khác nhau và rất thực dụng.

Hiện tại, những lớp giáo lý hôn nhân của các giáo xứ đang đứng tại một chỗ rất khiêm tốn cho việc trợ giúp này cho phụ huynh. Kết quả khảo sát năm 2005 cho thấy, có 55% các giáo xứ dạy 2-3 tiết, 27.7% dạy 4 tiết và 16.5% dạy 1 tiết về đề tài giáo dục [3]. Ngay cả chương trình đào luyện cán sự giảng dạy các lớp giáo lý hôn nhân, họ cũng chỉ được học với thời lượng rất khiêm tốn (4 buổi x 3 tiết). Như thế, họ không thể làm gì khác hơn hiện nay để giúp cho các bạn trẻ chuẩn bị cho việc giáo dục con cái của họ.

2. Kế đến, truyền thống lễ giáo “tiên học lễ, hậu học văn” cũng ít được chú trọng, không chỉ ở nhà trường mà ngay chính trong môi trường giáo dục gia đình hiện nay.

Lễ giáo, có thể nói rằng đây chính là nội dung mà tiền nhân đã chọn lựa trong suốt chiều dài lịch sử giáo dục của Việt Nam. Nội dung này được thể hiện qua những giá trị đạo đức Nho giáo: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… Chính truyền thống này đã tạo nên những con người nhân nghĩa, có trách nhiệm, luôn ý thức việc tu dưỡng bản thân, coi trọng giá trị của cộng đồng gia đình và xã hội nhờ đó mà họ biết hy sinh vì đạo nghĩa một cách cao thượng,… Mỗi người, qua quá trình giáo dục được thừa hưởng, đạt tới hạnh phúc trong việc học tập và sống những giá trị của những gì họ đã tích lũy được qua giáo dục.

Nếu loại bỏ “tính giai cấp” trong đánh giá và nhận định, chúng ta có thể nói truyền thống này chính là mục tiêu của giáo dục Việt Nam trong suốt dọc chiều dài lịch sử. Hiểu như thế, mục tiêu giáo dục của tiền nhân xưa đã đạt được điều mà nhà giáo dục hiện đại của Nhật bản -Tsunesaburo Makiguchi đã đề nghị [4]: mục đích của giáo dục là đem lại hạnh phúc cho mọi người. Theo ông, hạnh phúc thực sự chỉ có thể đến với chúng ta thông qua sự chia sẻ những nỗi gian lao và những thành công của người khác và của cộng đồng… Hạnh phúc sẽ đến cho ai khiêm hạ, biết hy sinh cho cộng đồng và biết giữ Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Hạnh phúc luôn bao hàm lời cam kết tham gia vào cuộc sống xã hội. Nói cách khác, theo T. Makiguchi, mục đích giáo dục là làm cho con người chuyển từ một đời sống không ý thức xã hội sang một đời sống có ý thức, có kế hoạch.

Việc phối hợp giữa truyền thống này với hiện đại để xây dựng một mục tiêu giáo dục thuộc phạm vi vĩ mô. Ở đây chúng ta không bàn đến những phương thức này.

Vấn đề của chúng ta, nếu xét từ góc độ giáo dục (theo nghĩa hẹp) vẫn còn nguyên giá trị. Thư chung xác định: “Mục đích của nền Giáo dục Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống xứng đáng với tư cách con Thiên Chúa để mai sau trở thành công dân Nước Trời” [5]. Điều đó có nghĩa là những gì tiền nhân của chúng ta đã nhắm hướng tới chính là nền tảng để cho chúng ta đi vào và đạt tới giá trị của Con Thiên Chúa.

Trong thực tế, cả nền giáo dục của xã hội Việt Nam và của cả giáo dục Kitô giáo dường như đang quên mất nền tảng này. Nhà trường đang dạy cho trẻ thành công và thậm chí thành công bằng mọi giá, kể cả gian lận. Krisnamurti, trong tác phẩm “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống” nhận định: “Nền giáo dục hiện thời đã hoàn toàn thất bại vì nó quá nhấn mạnh vào kỹ thuật. Trong việc quá nhấn mạnh vào kỹ thuật chúng ta hủy diệt con người. Trau dồi tài năng và hiệu quả mà không hiểu biết cuộc sống, không có một tri giác bao quát những thể cách của tư tưởng và khát vọng, sẽ chỉ làm cho chúng ta gia tăng thêm sự tàn nhẫn vô tình, mà đó là điều đã đưa đến những cuộc chiến tranh và làm nguy hiểm cho sự an toàn thể xác của chúng ta” [6]. Theo ông, “sứ mạng cao cả nhất của giáo dục là đào tạo cá nhân hoàn toàn, là người có khả năng giao tiếp với cuộc sống như một toàn thể” [7].

Còn những Kitô hữu, chúng ta đang giáo dục con em mình thành những vị thánh trước khi thành nhân đúng nghĩa. Chúng ta đang xây dựng những tòa nhà nhưng bỏ quên sự quan trọng của nền móng truyền thống này. Hội đồng giám mục Việt nam, trong thư chung 2002, đã nhận ra và nhắc nhở con cái mình:

“Nói đến gia đình Việt Nam, người ta nghĩ ngay tới một nề nếp gia phong rất gần gũi với giáo lý đức tin. Gia đình ấy coi chữ Hiếu làm đầu nên rất sẵn sàng đón nhận ánh sáng Phúc Âm, trong đó điều răn phải thảo kính cha mẹ được xếp ngay sau ba điều răn quy định việc thờ phượng Thiên Chúa. Gia đình ấy xem chữ Tín làm trọng nên dễ dàng gặp thấy nơi điều răn thứ sáu và thứ chín tiếng nói chung nhằm bảo vệ đời sống hôn nhân một vợ một chồng bất khả phân ly” [8].

Tuy thế, dường như những nhắc bảo này vẫn không có hiệu quả cao. Kết quả khảo cứu năm 2007 [9] cho thấy, dù các nội dung: nhân, lễ, nghĩa, tín, là những nội dung được phụ huynh ưu tiên dạy con mình, nhưng nó cũng chỉ đạt ở mức độ thường xuyên. Tỉ lệ, phụ huynh không bao giờ giáo dục cho con cái những nội dung này cũng không ít (8.3% – 10.9% – 10.9% và 12.6%). Cũng trong nghiên cứu này, mức độ tự đánh giá của phụ huynh về con cái mình cũng không cao:

  • 8.7%: không lễ phép tôn trọng người lớn.
  • 14.3%: không có đời sống đức tin, đạo đức tốt.
  • 16.1%: không được thầy cô, hàng xóm thương yêu.
  • 20.9%: không có tinh thần trách nhiệm với gia đình, giáo xứ.

Nghiên cứu còn cho thấy, nguyên nhân có thể do chính việc phụ huynh không hiểu biết (14.8%), không đồng ý (1.7%) hoặc chưa bao giờ nghe nói (3.9%) về giáo huấn giáo hội về việc giáo dục nhân bản cho trẻ trong gia đình. Số phụ huynh có hiểu biết những kiến thức khoa học giáo dục liên quan tới việc giáo dục nhân bản cũng chỉ đạt được 60%

Một nghiên cứu khác năm 2006 [10] cho thấy, kiến thức của phụ huynh trong vấn đề giới tính dưới cái nhìn Kitô giáo còn kém hơn cả con trẻ. Và cả phụ huynh lẫn con cái đều có hiểu biết giáo huấn của giáo hội về vấn đề này rất thấp – tỉ lệ nhận thức đúng không quá 50%.

Chính sự khập khiễng, thiếu nền tảng này đang tạo ra những bất ổn không lường được cho xã hội và cả giáo hội.

3. Tính cộng đồng là một trong những nét văn hoá truyền thống rất đặc biệt ở Việt Nam. Cốt lõi của tính cộng đồng này là các gia đình, gia tộc với nguyên tắc ứng xử theo quan hệ huyết thống “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, rộng hơn nữa là quan hệ láng giềng theo kiểu “Tình làng nghĩa xóm”, “Tắt lửa tối đèn có nhau”.

Tính truyền thống này có ảnh hưởng rất lớn trên nền giáo dục xưa. Không chỉtrong gia đình, mà trong làng xóm tất cả mọi đứa trẻ đều được trông coi, nuôi dưỡng, và chăm sóc một cách tận tình bởi các thành viên của cộng đồng như một người mẹ trong gia đình. Đồng thời, chúng được hướng dẫn và giáo hóa một cách chu đáo và lễ độ.

Chính do tính truyền thống này mà gia đình Kitô hữu phải là nơi tình gia tộc được gìn giữ và hoàn thiện hơn lên để trở thành nét đặc trưng của gia đình Kitô hữu. Bởi lẽ “Giáo dục Kitô giáo góp phần cổ vũ tình liên đới, làm cho con người có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm đối với xã hội và công ích, gìn giữ và bảo vệ môi trường thiên nhiên trong sạch, cùng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, an bình…” [11]. Chính qua nền giáo dục, “Gia đình ấy gồm có ông bà cha mẹ con cháu trên thuận dưới hoà trong một mái nhà đầm ấm, được xem như một môi trường tựnhiên thuận lợi cho việc phát triển đức tin, nhất là cho việc xưng tụng Thiên Chúa là Cha và coi mọi người như anh chị em. Gia đình ấy sống liên đới với các gia đình khác trong tình làng nghĩa xóm hiệp thông cầu nguyện khi vui cũng như lúc buồn, dần dà tạo nên một hình ảnh đẹp và cụthể để diễn tả tình huynh đệ Kitô giáo. Chính vì thế, Hội Thánh dù được định nghĩa như là “Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô, Ðền Thờ Chúa Thánh Thần” thường được người Việt Nam hình dung như một gia đình.” [12]

Theo quan điểm hiện đại, một yếu tố rất quan trọng trong nhân cách và sựphát triển của trẻ đó chính là sự nhận dạng (identification). Đó là một tiến trình hình thành nhân cách và các hành vi xã hội qua con đường bắt chước (imitate) người khác. Các thành viên trong gia đình: ông bà, cha mẹ, anh chị em… ảnh hưởng đến trẻ không chỉ bằng việc làm mẫu nhưng còn bằng việc gia cường (reinforcing) các hành vi đó.

Đàng khác, chính tính cộng đồng mà người Việt luôn sẵn sàng đoàn kết giúp đỡlẫn nhau, coi mọi người trong cộng đồng như anh chị em trong nhà: “ Tay đứt ruột xót”; “Chị ngã em nâng”; “Lá lành đùm lá rách”… Vì thế, đứa trẻ lớn lên trong cộng đồng bao giờ cũng học được giá trị của lòng nhân ái. Nói khác hơn, theo cách nhìn của tâm lý học trí tuệ hiện đại, trẻ được lớn lên trong môi trường mà chính nơi đó, trí tuệ cảm xúc – một yếu tố quan trọng của “wisdom” – của chúng được nuôi dưỡng và phát triển. Trẻ không sống cho riêng mình nhưng cho cộng đồng mà nó được đặt trong đó.

Nghiên cứu của Zahn-Waxler và Radke (1982) cho thấy, ngay từ khoảng 10-12 tháng tuổi, dù chưa có những biểu hiện an ủi người khác nhưng trẻ đã có những biểu hiện quan sát đến sự đau khổ của người khác. Đến khoảng 12-18 tháng tuổi, trẻ bắt đầu có những dấu hiệu can thiệp tích cực trước những đau khổ của người khác – thông thường làđến gần vỗ về. Sang độ tuổi 18-24 tháng, trẻ đã có những biểu hiện sự đồng cảm bằng những từ ngữ hoặc tìm ngươì trợ giúp hoặc cố gắng bảo vệngười đau khổ.

Trẻ trước tuổi đến trường sẵn sàng học cách tìm hiểu cảm xúc của ngươì khác và trẻ thể hiện nhiều sự quan tâm khi tìm hiểu như thế. Theo Dunn trẻ 3 tuổi đã có khả năng chăm sóc, kính trọng và tử tế: một nền tảng vững chắc cho sự phát triển xã hội và đạođức sau này.

Tương tác với các thành viên khác trong giađình – không chỉ với mẹ mà còn với anh chị – tạo ra sự hiểu biết ngày càng tinh vi về những gì được phép và không được phép, khi nào áp dụng và khi nào không áp dụng nguyên tắc, khái niệm tính trách nhiệm, cách sử dụng lời xin lỗi và bào chữa. Nói cách khác, trẻ tuổi này không những học học hỏi nguyên tắc xã hội mà còn học cách sử dụng chúng, thậm chí vận dụng cho các mục đích riêng của mình. Những bài học chỉ có thể được hun đúc trong đời sống của cộng đồng.

Tính cộng đồng còn được thể hiện qua đời sống tâm linh. Đó là ý thức hướng về cội nguồn: cội nguồn gia đình, dòng họ qua việc thờ cúng tổ tiên, cội nguồn của làng xóm qua việc thờ cúng thành hoàng, thổ thần, những người có công lập làng… Bên cạnh đó, những lễ hội và sinh hoạt cộng đồng là môi trường trẻ rèn luyện tài năng, trí thông minh, tài khéo léo, sức khỏe. Mọi người không chỉ tham gia, trình diễn, nhưng còn là thưởng thức, hưởng thụ. Trẻ thơ cảm nhận văn hóa cộng đồng qua những lễ hội rồi từ đó kế thừa, phát huy và trao truyền lại cho thế hệ kế tiếp.

Hiểu như thế, môi trường các giáo xứ cũng là nơi có thể diễn tả tính cộngđồng này cách tối ưu. Thư chung nhận định: “… tại giáo xứ, đức tin được thông truyền nhờ giảng giải và việc cử hành phụng vụ. Chính khi đối chiếu và đón nhận cảm tưởng của nhau, đoàn kết yêu thương nhau và cầu nguyện chung với nhau, đức tin của Kitô hữu được nuôi dưỡng và củng cố…” [13].

Trong thực tế, từ sau “thời mở cửa kinh tế” của nước nhà, tính cộng đồng của người Việt bắt đầu suy giảm. Sự suy giảm từ nơi các cộng đoàn giáo xứ,đến cơ cấu làng xã và len vào tận mỗi gia đình. Mỗi người suy nghĩ cho riêng mình, học cho riêng mình, làm việc cho riêng mình,… và sống cho riêng mình. Nhà thờ chỉ còn là nơi trẻ đến chuẩn bị lãnh các bí tích và cử hành phụng vụ theo luật rồi ra về. Gia đình chỉ còn là nơi mỗi người trở về để nghỉ như những quán trọ; và nếu cần, quán trọ sẽ được thay đổi theo nhu cầu cá nhân… Cách sống như thế tưởng rằng sẽ làm cho giá trị của từng mỗi cá nhân tăng lên, nhưng thực tế, đó là điều ngược lại: thiếu tự tin, thiếu linh hoạt, … và trở thành những con người vô cảm vì thiếu những cọ xát thực tế mang tính cộng đồng, thiếu những cảm nghiệm rất nền tảng “tình yêu thương’.

 

Tìm một lối ra

Một chút suy ngẫm về một vài giá trị bị bỏ quên có lẽ đang gợi lên trong mỗi người ít nhiều những trăn trở cho một lối ra. Riêng với tôi, xin được góp đôi dòng:

  • Vẫn biết rằng, việc giáo dục con người phát triển toàn diện phải được đặt nền trên chính công cuộc giáo dục tại gia nhưng chúng ta vẫn chưa đầu tư đúng mức. Cần phải xem xét lại toàn bộ quy trình chuẩn bị này cách thống nhất và toàn diện hơn. Các lớp giáo dục tiền hôn nhân Công giáo phải là môi trường đặc biệt cho việc đào luyện những nhà giáo dục Kitô giáo tại gia. Chỉ khi họ đóng góp trọn vẹn vai trò của mình trong tư cách những nhà “mô phạm”gia đình, trẻ mới có thể bước vào quá trình dạy – học đạt hiệu quả cao nhất.
  • Dù mọi người và cả chúng ta nữa có bi quan về một hiện trạng giáo dục nước nhà, chúng ta không thể phủ nhận rằng, mỗi năm chúng ta vẫn đang hân hoan mừng vui vì hàng trăm linh mục, tu sĩ xuất thân hoàn toàn trong môi trường giáo dục có vấn đề này. Như thế, sựkhác biệt lại nằm ngay trong chính môi trường giáo dục nền móng: giađình và giáo xứ. Đã tới lúc, không chỉ là bầu khí gia đình, nhưng môi trường giáo xứ cần phải được nghiên cứu và định hướng phát triển lại một cách khoa học và thực tiễn hơn dựa trên truyền thống cộng đồng của tiền nhân.
  • Việc xây dựng nền văn hoá sự sống – văn minh tình thương không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ sự sống thể lý. Đã tới lúc cần phải xem xét để đạt tới việc xây dựng lại và phát triển nền văn mình này theo nghĩa toàn diện của sự sống: thể xác – tâm thần – và tâm linh. Không ít những bậc cha mẹ, vì thiếu hiểu biết những kiến thức và nhất là những kỹ năng cần thiết để thi hành sứ mạng đã trở vô tình đẩy con em mình vào con đường phát triển lệch lạc. Sứ mạng này cần có một đội ngũ chuyên môn để trợ giúp cho các giáo xứ trong quá trình chuẩn bị, hỗtrợ cho các gia đình trẻ.
  • Sự thiếu hụt đội ngũ những người chuyên môn đang ítđược chúng ta quan tâm. Bản thân tôi không bi quan vì lối chưa mở cho sự cộng tác hoàn toàn của giáo hội Công Giáo với sự nghiệp giáo dục ; nhưng điều băn khoăn chính ở chỗ: liệu lúc này đây, nếu lối sẽ mở, mình sẽ tìm đâu ra nhân sự cho công cuộc giáo dục khó khăn này. Vì thế, công cuộc đào tạo người chuyên môn để thực hiện sứ vụ này không thể chưa bắt đầu.

 

Lm. Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ, Tiến sĩ Tâm lý học

______________________________

[1] Thư chung 2007, số 29.

[2] Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo Gravissimum educatiois số 3

[3] Matta Nguyễn Thị Thủy & Maria Hoàng Thị Trang – Dòng MTG Quy Nhơn (2005), Khảo sát kết quả việc chuẩn bị cho các bạn trẻ công giáo sống đời sống hôn nhân gia đình tại giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, khoá luận Tốt nghiệp khoá THCB, HV Nguyễn Văn Bình, trang 45

[4] X. Tsunesaburo Makiguchi, Giáo dục vì cuộc sống sáng tạo, ĐHTH TPHCM, NXB Trẻ 1994, Tr. 16-30.

[5] Thư chung HĐGMVN 2007, số 3

[6] Krisnamurti , Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống, bản dịch Việt ngữ: Hoài Khanh (2007), NXB Văn Hoá Sài Gòn, 17.

[7] Krisnamurti, nvt, 25.

[8] Thư chung HĐGMVN 2002, số 3

[9] Maria Vũ Thị Hải, Dòng MTG Hưng Hóa (2007), Giáo dục nhân bản cho con cái trong gia đình Công Giáo, Khoá luận tốt nghiệp khoá THCB, HV Nguyễn Văn Bình – liên dòng MTG, trang 53.

[10] Rosa Đào Thị Xuân Khiêm & Maria Phạm Thị Mỹ Lệ, Dòng MTG Tân Việt (2006), Việc giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên Công Giáo, Khoá luận tốt nghiệp khoá THCB, HV Nguyễn Văn Bình – liên dòng MTG.

[11] Thư chung 2008, 34.

[12] Thư chung HĐGMVN 2002, số 3

[13] Thư chung, số 29

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận