Những Chuyển Biến Đang Thay Đổi Bộ Mặt Xã Hội Việt Nam

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/09/2014 02:29 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
NHỮNG CHUYỂN BIẾN ĐANG THAY ĐỔI BỘ MẶT XÃ HỘI VIỆT NAM 
VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ TRÊN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỦA CÁC TÍN HỮU

(Tóm lược sách “Huấn giáo phục vụ cho công cuộc tân Phúc-âm-hóa
để thông truyền đức tin” của UBGLĐT/HĐGMVN, tt. 10-23)
 

 
Tôi hân hạnh được chia sẻ tại Hội thảo Giáo lý toàn quốc lần thứ IV này đề tài 1, trong đó có hai vấn đề:
I. Những chuyển biến đang thay đổi bộ mặt xã hội Việt Nam.
II. Ảnh hưởng của nó trên đời sống đức tin của các tín hữu.
Hy vọng khi nhận thức được hai vấn đề này, các vị hữu trách về Giáo lý sẽ tìm ra đường lối, phương cách giúp cho việc thông truyền giáo lý được hiệu quả hơn cho GHVN trong giai đoạn hiện tại.
 
I. Những chuyển biến đang thay đổi bộ mặt xã hội Việt Nam:

Đất nước Việt Nam đang cùng với thế giới thay đổi. Từ một nước lạc hậu, sống về nông nghiệp, với lũy tre xanh bao quanh làng, Việt Nam đang thay da đổi thịt mỗi ngày trong mọi lãnh vực, có thể gọi  là “bùng nổ” trong một số lãnh vực. Trước khi điểm qua những thay đổi đang diễn ra trong xã hội Việt Nam ngày nay, thiết tưởng nên nói đến những trào lưu đang tác động đến cả thế giới, dẫn đến sự thay đổi của xã hội Việt Nam.
Chủ nghĩa thế tục (sécularisme) đang thấm nhập vào cách suy nghĩ và cách sống của người tín hữu. Nó là thách đố lớn cho công cuộc Phúc âm hóa vì hoàn toàn nghịch lại tinh thần phúc âm, nghịch lại đức tin và luân lý kitô giáo, khi tìm cách loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Thế tục hóa là chỉ coi trọng con người, đặt niềm tin vào con người chứ không vào thần linh nào (chủ nghĩa vô thần), chủ trương tách lìa đạo ra khỏi đời, thu hẹp hoạt động tôn giáo vào nhà thờ, loại tôn giáo ra bên lề xã hội, khống chế không cho tôn giáo tham gia vào các hoạt động xã hội (như giáo dục, y tế, nhân đạo)... Chủ nghĩa tục hóa kéo theo sự coi thường GH, công kích GH, chỉ trích những khuyết điểm, lỗi lầm của các phần tử trong GH như linh mục (vd nạn ấu dâm).
Chủ nghĩa duy vật (matérialisme): chỉ nhìn nhận vật chất, quan niệm vật chất trên hết, chết là hết. Vật chất có giá trị, vì có thực, có thể nắm bắt, chạm được… Chủ thuyết này loại bỏ giá trị của tâm linh, thiêng liêng, không nhìn nhận thần thánh, tôn giáo…
Chủ nghĩa cá nhân (invidualisme): nhấn mạnh đến sự độc lập của con người và tầm quan trọng của tự do và tự lực của mỗi cá nhân. Những người theo chủ nghĩa này chủ trương không ai được phép hạn chế mục đích và ham muốn của cá nhân. Họ phản đối sự can thiệp từ bên ngoài lên sự lựa chọn của cá nhân - cho dù sự can thiệp đó là của xã hội, nhà nước, hoặc bất kỳ một nhóm hay một thể chế nào khác. Chủ nghĩa cá nhân đối lập với chủ nghĩa tập thể, cộng đồng, tức là đối lập với những chủ thuyết nhấn mạnh đến việc công, nhóm, xã hội, hoặc các mục đích quốc gia cần được đặt ưu tiên cao hơn các mục đích của cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân cũng đối lập với quan điểm truyền thống, tôn giáo, tức đối lập với bất cứ quan niệm nào cho rằng cần sử dụng các chuẩn mực đạo đức hay luân lý ở bên ngoài, khách thể, để hạn chế sự lựa chọn hành động của cá nhân. Liên quan đến chủ nghĩa cá nhân là quan niệm tự do tư tưởng, muốn nghĩ sao cũng được, không phải tuân theo quan niệm của tôn giáo. Chủ trương này sẽ đưa đến chỗ mất lòng kính trọng, vâng phục huấn quyền GH và các nhà hữu trách trong GH. Chủ nghĩa này tai hại cho việc giữ đức tin, giữ đạo, không nghe ai nữa, tự lấy mình làm tiêu chuẩn cho mọi việc.
Chủ nghĩa tương đối (relativisme): coi mọi sự đều tương đối, không gì có tính tuyệt đối. Về tôn giáo thì coi mọi tôn giáo đều ngang nhau, không có tôn giáo nào là tối ưu cả ; luân lý cũng không có tính tuyệt đối, chỉ cần theo tiếng lương tâm của mình. Quan niệm này dẫn đến chủ trương tự do luân lý, tự do kết hôn, tự do ly dị, tự do tái hôn, tự do quan hệ tính dục, tự do phá thai, tự do chọn lựa giới tính, tự do chọn cái chết… Đó là những nhức nhối mà GH đang phải đối diện. Người giáo hữu có quan niệm này sẽ coi thường việc hành đạo, giữ đạo.
Chủ nghĩa hưởng thụ khoái lạc (hédonisme): chủ trương hưởng thụ tối đa khoái lạc, mặc sức hưởng thụ những gì mình thích… Ngay trong lòng GH, chủ nghĩa hưởng thụ dẫn đến việc ngại Thánh giá, ngại khổ, ảnh hưởng đến cả các linh mục tu sĩ khiến tìm hưởng thụ, sống giàu sang, an nhàn, ngại dấn thân đi rao giảng Tin Mừng…
Những chủ nghĩa trên có ảnh hưởng toàn cầu, và xã hội Việt Nam, trong đó có GH, đang đi vào vòng xoáy của chúng. Ta có thể liệt kê những thay đổi thấy được về các phương diện như sau:
Tư duy: Những giá trị xưa nay vẫn được xã hội VN tôn trọng nay bị lung lay, thậm chí đảo ngược như lòng trung thực, tính hiền hòa, lễ độ, nhường nhịn, tốt lành, yêu thương, đùm bọc nhau… nhường chỗ cho giả dối, bạo lực, vô lễ, tranh giành, hung dữ, ghét bỏ loại trừ, dửng dưng (mackeno)… Tệ nạn xã hội (xì ke, ma túy, HIV, mại dâm, buôn lậu, giết người, ly dị, phá thai, đồng tính…) ngày càng leo thang. (Tư tưởng đưa đến hành động).
Tôn giáo: Việt Nam là một dân tộc thiên về tôn giáo, dễ dàng đón nhận mọi tôn giáo, tín ngưỡng thấm đậm vào cuộc sống, chi phối cả xã hội (kho tàng ca dao tục ngữ của ta nói nhiều về tôn giáo). (Hiện có 24/90 triệu người VN theo các tôn giáo, có 37 tổ chức tôn giáo được đăng ký, 26.387 cơ sở thờ tự trong cả nước. Người Việt chấp nhận từ niềm tin tín ngưỡng dân gian như tin vào Ông Trời, thờ kính tổ tiên, nặng về Tam Giáo (Khổng-Lão-Phật) đến các tôn giáo bản địa như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo; đến các tôn giáo quốc tế như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Ấn giáo, Baha’i. Nhưng từ 60 năm (miền Bắc, từ 1954), và 40 năm (miền Nam, từ 1975) trở lại, do sống dưới chế độ Cộng Sản với chủ thuyết Mác xít, khuynh hướng vô thần đang thấm sâu vào não trạng con người thời nay. Con số người vô thần, dửng dưng với tôn giáo ngày càng cao (tại giáo phận Hưng Hóa, con số bỏ đạo, lơ là rất nhiều, vì mấy chục năm vắng bóng linh mục, giáo đường, họ đạo). Trước đây, Nhà Nước chống tôn giáo vì cho là “thuốc phiện mê dân”, nay nhìn nhận tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc, chấp nhận cho “văn hóa tâm linh” phát triển, kéo theo các lễ hội dân gian mang màu sắc tín ngưỡng, dẫn đến mê tín dị đoan ngày càng lan rộng. Nhà Nước cổ võ xây dựng nhiều khu “du lịch tâm linh”.
Kinh tế: Với việc gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam phát triển, đời sống vật chất đi lên, tuy chưa cao lắm, nhưng đủ để dẫn đến sự hưởng thụ (quán ăn nhan nhản đủ loại, nhà nghỉ mọc lên như nấm), duy vật chất, đưa đến sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn: “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Hiện trạng này tạo ra nhiều bất công và tệ nạn trong xã hội như “con ông cháu cha” nắm quyền lực, nạn tham nhũng, hiện tượng di dân kinh tế, gia đình mong manh dễ tan vỡ, môi trường bị ô nhiễm… Việt Nam chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế, chưa kể bị anh láng giềng Trung quốc khống chế.
Văn hóa: Truyền thống văn hóa lâu đời của Việt Nam (thờ cha kính mẹ, tôn sư trọng đạo, trọng tín nghĩa, khẳng khái, chân thành, sẵn sàng chết vì lòng trung nghĩa, đầy nhân ái, vị tha…) bị phai nhạt dần. Cộng với sự tiến bộ về khoa học, công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông… đưa đến sự khủng hoảng về giá trị: đạo đức xuống dốc, gia đình và xã hội bị rạn nứt, giáo dục không đạt mục tiêu (thiếu phẩm chất, giả dối, lừa lọc), tham nhũng thành quốc nạn, đạo lý thành đảo điên, giới trẻ yêu cuồng sống vội, mất phương hướng.
- Luân lý: Luân lý bị xuống dốc theo sự băng hoại các giá trị văn hóa, tôn giáo, kinh tế, tư duy nói trên. Không ngờ trong một quốc gia tự hào có 4000 năm văn hiến, nay cũng leo thang về tội ác (phá thai, giết người, tham nhũng, bóc lột người yếu thế, học đường không còn đạo đức).
Giáo dục: Có những bước tiến như phổ cập văn hóa, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, chính sách xã hội về giáo dục đang có hiệu quả, chất liệu giáo dục có chuyển biến (trường học, kể cả đại học, cao đẳng nhiều) …, nhưng đang tồn tại những yếu kém như: chất lượng còn thấp, phương pháp lạc hậu, chậm đổi mới, người nghèo, đồng bào dân tộc bị thiệt thòi, các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục như dạy học thêm, mua bằng giả, bệnh thành tích…
 
II. Ảnh hưởng của nó trên đời sống đức tin của các tín hữu

Xã hội thay đổi kéo theo sự thay đổi não trạng về tôn giáo, khiến đặt ra nhiều vấn đề nan giải cho đời sống đức tin của các tín hữu, đòi hỏi các hoạt động mục vụ, việc dạy giáo lý, việc sống đạo cũng phải thích nghi với tâm thức và nhu cầu của con người Việt Nam hiện nay. Đổi mới, cập nhật hóa là qui luật (cũng như nguyên tắc “aggiornamento” của ĐGH Gioan XXIII khi canh tân GH với công đồng Vatican II…) Những đổi thay của xã hội có thể có ảnh hưởng tốt nhưng cũng có thể xấu trong đời sống đức tin của người công giáo Việt Nam hôm nay.
Đời sống vật chất được nâng cao, phúc lợi của dân được cải thiện, nhưng ngược lại, người dân bị chi phối về vật chất, lo làm giàu, rồi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng nặng nề trên nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Người ta, kể cả người công giáo dễ bị cuốn hút bởi vật chất tiền bạc. Con người dễ trở thành ích kỷ, bóc lột người nghèo, lạm quyền, tham nhũng. Phải làm sao đây để người tín hữu công giáo thăng tiến cuộc sống cho đúng với thân phận con người, nhưng đồng thời không để bị vật chất lôi cuốn mà thoái hóa về đức tin và đời sống đạo.
Đời sống luân lý cũng bị xuống dốc: đạo đức bị coi là mối đe dọa cho các hành vi thao túng và hạ thấp phẩm giá con người ; hôn nhân và gia đình bị đe dọa bởi nạn ly dị, ngoại tình, đồng tính luyến ái; tệ nạn xã hội gia tăng: phá thai, bạo lực, giết người... Sống trong lo âu và sợ hãi, người dân trở nên phòng thủ và tự vệ, che đậy và giả hình, thiếu tin tưởng và ít cộng tác với người khác.
Đời sống tôn giáo cũng bị kéo xuống, tuy hiện tại người tín hữu vẫn còn dự lễ đông, các cuộc hành hương như ở La vang vừa qua, các trung tâm hành hương Đức Mẹ khắp nơi vẫn đông đảo, các dịp lễ lớn vẫn đông người đi xưng tội... nhưng có dấu hiệu cho thấy đức tin đang bị đi xuống bởi sự đổi thay về đời sống vật chất. Con số giáo dân thờ ơ, dửng dưng với niềm tin tôn giáo, sống xa cách, giả dối, thoái thác cộng tác, giữ đạo vừa chừng, không gắn bó đang tăng dần. Thường khi đời sống vật chất đi lên, thì tinh thần đạo đức, lòng tin đi xuống ! Tuy nhiên, đời sống vật chất được nâng cao cũng có thể đem lại nhiều hướng thuận lợi như giúp cho người công giáo có thời giờ rảnh rỗi hơn, không còn “đầu tắt mặt tối” lo miếng cơm manh áo (có thực mới vực được đạo), để có thể đào sâu đức tin, sống đạo, đóng góp tích cực vào sinh hoạt giáo xứ, xây dựng các cơ sở vật chất của Giáo Hội, không còn phải trông chờ tiền nước ngoài để xây nhà thờ, mà tự lực.
Có thể kể thêm một số dấu hiệu về lòng đạo đi xuống: nhiều giáo dân không còn siêng năng lãnh nhận bí tích hòa giải ; nhiều tín hữu, nhất là giới trẻ dễ dàng bỏ lễ, hoặc dự cho có, chẳng sốt sắng. Số người kết hôn khác đạo gia tăng, và nhiều người sau đó bỏ đạo nữa. Số ly dị gia tăng. Số tân tòng gia nhập đạo ít, chứng tỏ nỗ lực truyền giáo. Ơn gọi tu trì vẫn còn nhưng đã ít dần, nhất là ở thành thị. Phẩm chất của người kitô hữu cũng kém xưa, ít lưu tâm đến việc làm chứng tá cho Tin Mừng. Việc học giáo lý chỉ nơi trẻ em, hết lứa tuổi này thì không còn mấy ai chịu khó tìm tòi, đào sâu. Sự hiểu biết về giáo lý nơi giáo dân Việt Nam hời hợt, nông cạn,  nên không xác tín đủ. ĐTGM Leopoldo Girelli đã có nhận định nêu trên. Cần tìm nguyên nhân, mà có thể do linh mục khoán trắng việc dạy giáo lý, giảng viên thì kém khả năng… Miễn cưỡng học giáo lý khi kết hôn, thường tìm cách thoái thác, hay xin nhẹ tay, châm chước. Thích hình thức bên ngoài, mang tính lễ hội, rước xách, kèn trống inh ỏi, có tính phô trương, còn chiều sâu tâm linh không có, nên khi gặp thử thách là dễ dàng bỏ rơi đức tin.
 
Kết luận

Có thể xem cuộc Hội thảo này là một chặng dừng chân để kiểm điểm, lắng nghe, xem xét, trao đổi và tìm ra những phương cách hữu hiệu, cập nhật, thích ứng với thời đại hiện nay. Chúng ta nhìn vào Giáo Hội Hàn Quốc để ngưỡng mộ và thèm muốn được như họ. Để được như vậy, thiết tưởng cần động viên toàn thể GHVN, từ các vị lãnh đạo Giáo Hội, đến các linh mục, tu sĩ, và giáo dân. Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hiện diện trong lòng GHVN để nâng đỡ, hướng dẫn chúng ta. Giữa lòng Hội Thánh Việt Nam hôm nay vẫn có những con người năng động, nhiệt huyết với sứ mạng loan báo Tin Mừng, rao truyền chân lý của Đạo Chúa, vẫn có những người muốn nghe và đón nhận chân lý đó. Gíao Hội Việt Nam cần nhanh chóng chuyển mình, đứng lên, ra đi loan báo Tin Mừng. Xin kính chúc cuộc hội thảo Giáo Lý Đức Tin thành công.
 
 Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá Hưng Hóa

Nguồn: giaolyductin.org
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận