Giống loài khốn khổ

Đăng lúc: Thứ tư - 17/09/2014 13:59 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Giống loài khốn khổ
 


“Bản chất của giống loài khốn khổ của chúng ta đó là những kẻ bước đi trên con đường được trải nhựa êm ái luôn ném đá những kẻ chỉ ra những con đường mới.” – Voltaire
Tự do – bình đẳng – bác ái

Tự do – bình đẳng – bác ái là các giá trị loài người có được sau Cách mạng dân chủ Pháp (1789 – 1799), khi lực lượng dân chủ và cộng hòa lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế. Bước sang thế kỷ XXI, triết lý thịnh hành nhất là “dân chủ” và “quyền con người”. Các học giả phương Tây từ lâu đã nhấn mạnh hai khái niệm này và xem chúng như là động lực cơ bản cho sự phát triển của thế kỷ XXI.

Thực chất, các khái niệm này đã có từ xa xưa. Cách đây hơn 2500 năm, đã có những bậc thầy xuất hiện cùng lúc ở nhiều nơi, giao giảng tầm quan trọng của tình yêu, lòng từ bi, sự yêu thương đồng loại. Ở Ấn Độ là sự xuất hiện của Gautama Buddha, ở Trung Quốc là Lao Tzu, ở Hy Lạp là Socrates …

Đặc biệt phải kể đến sự xuất hiện của Chúa Jesus ở vùng Galilee miền bắc Israel. Người rao giảng tầm quan trọng của việc sám hối tội lỗi, thay đổi lối sống, yêu thương và chia sẻ với nhau.
“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy. “(Rô-ma 13,8)

Người phản đối các lãnh đạo tôn giáo Do Thái là Sadducees và Pharisees, cho rằng họ quá quan tâm đến tiền bạc và quyền lực. Thích thú với những giáo lý và những việc làm bác ái của Người, người dân đã tin theo và thay đổi lối sống. Mọi người dần cảm nhận được những giá trị của tự do, bác ái và bình đẳng đem lại. Do được người dân tôn là đấng Messiah (người được thần linh lựa chọn), Người đã bị những lãnh đạo Do Thái khác coi là kẻ khiêu khích chính trị và bị kết án là “dị giáo”. Chính những lãnh đạo này đã thỏa hiệp với nhà chức trách La Mã và Chúa Jesus bị trao cho thái thú La Mã Pontius Pilate. Ông ta đã cho phép kết tội và đóng đinh Chúa Jesus trên thập giá, hình phạt thường chỉ dành cho các tội phạm giết người.
Mặc cho cái chết tàn khốc của Chúa Jesus, các môn đệ của Người vẫn giảng dạy giáo lý của Người. Do muốn duy trì chế độ quân chủ, các lãnh đạo chính trị và tôn giáo thời đó đã cấu kết nhau bách hại những ai rao giảng giáo lý của Chúa Jesus. Tuy nhiên, giáo lý của Chúa Jesus vẫn tồn tại mạnh mẽ và vẫn lưu lại cho đến ngày nay.

Giống loài khốn khổ

Đến đây chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: tại sao các giá trị tự do – bình đẳng – bác ái đã xuất hiện lâu như vậy, mà chế độ quân chủ vẫn duy trì đến hơn 1700 năm sau. Chỉ đến khi có cách mạng dân chủ Pháp, những giá trị này mới được chấp nhận rộng rãi?
Có hai lý do chính. Thứ nhất một thực tế phải hiểu là trong lịch sử loài người, luôn luôn có một đẳng cấp thống trị nhỏ nhoi, cố gắng lợi dụng quyền lực và tiền bạc của mình để áp đặt “giải pháp” của mình trên đại đa số quần chúng. Họ thực hiện nhiều biện pháp, như sử dụng bạo lực, tuyên truyền nhồi sọ để thuyết phục đông đảo nhân dân. Bất kỳ ai đứng lên nói sự thật thì sẽ bị họ bôi nhọ và đàn áp.
Nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn. Đó là ý thức hạn chế của đông đảo người dân. Sợ hãi trước cường quyền, im lặng hờ hững trước cái ác, ngu dốt nghe theo những lời hứa hão của giai cấp cầm quyền tham lam và ích kỷ. Đành rằng “nhân vô thập toàn”, tuy nhiên đa số luôn nhìn đến lợi ích trước mắt mà quyên đi lợi ích lâu dài. Những tư tưởng lớn đi trước thời đại bao giờ cũng bị cho là “dị giáo”, tuy nhiên thực tế luôn chứng minh chân lý luôn thuộc về thiểu số.
“Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: ‘Mưa đến nơi rồi.’ Và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: ‘Trời sẽ oi bức.’ Và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? Sao các người không tự mình nhận xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra tòa, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan tòa, quan tòa lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.” – Chúa Jesus)
Trong những xã hội trì trệ và bảo thủ, con người phải tự mình trang bị một tư duy độc lập. Tư duy độc lập bắt đầu bằng những câu hỏi là tình trạng hiện tại do ai duy trì và họ có những ích lợi gì vào sự ù lì của tình thế? Kế đến, ta phải sẵn sàng đối phó thường trực với những ù lì rồi phá phách của những thành phần không muốn đổi thay hay tiến bộ của xã hội vì lợi ích cá nhân, gia đình hay phe nhóm. Không có một tinh thần bất khuất và kiên trì, chúng ta sẽ bỏ cuộc không chóng thì chày, vì sức đề kháng của phe bảo thủ rất mạnh.

“Tôn giáo” tư bản

Quay trở lại với cuộc cách mạng dân chủ Pháp. Lý do dẫn đến cuộc cách mạng này cũng không lấy gì làm vẻ vang. Tất cả chỉ vì hai chữ: Đồng tiền.
Khoảng thế kỷ 17, thương mại phát triển mạnh mẽ và số lượng các thành phố gia tăng nhanh chóng. Điều đó đã hình thành nên cộng đồng hùng mạnh của các thương gia và chủ đất. Phẫn nộ trước mức thuế mà quốc vương áp đặt, những nhà tư sản giàu có hình thành ý tưởng về một chính phủ đại diện khi họ tìm cách chống lại quyền lực nhà vua.

Bắt đầu khởi nguồn từ Cách mạng Huy hoàng của vương quốc Anh rồi lan đến sang Pháp. Dĩ nhiên, để làm một cuộc cách mạng, phải có một học thuyết “lọc lừa” để mê hoặc dân chúng nghe theo. Đi tiên phong là bá tước người Anh John Locke (1632-1704). Trong các tác phẩm của mình, Locke lập luận rằng con người phục tùng chính quyền không phải vì xu hướng phục tùng một lãnh đạo chuyên chế là bẩm sinh nội tại của con người, mà vì một chính quyền hợp pháp sẽ bảo vệ quyền sở hữu của họ. Nếu không được bảo vệ, những người có tài sản có quyền thôi ủng hộ chính quyền này và lập ra một chính quyền khác. Không phải nhà vua thì có quyền cai trị mà là chính người dân có quyền chấp thuận hay không. Thomas Jefferson (1743-1826) đã sử dụng các ý tưởng của Locke trong Tuyên ngôn Độc lập (1776) để bênh vực cho cuộc nổi dạy của các thuộc địa Anh ở châu Mỹ, với cụm từ “mưu cầu hạnh phúc” (nói trắng phớ là “mưu cầu tài sản” cho nhanh).
Quá thuyết phục với lý tưởng tự do, bình đẳng, được quyền sở hữu tài sản và theo đuổi tích lũy tài sản, người dân ở các nước phương Tây đã đồng loạt hưởng ứng với hàng loạt cuộc nổi dậy và các phong trào giành độc lập. Rốt cuộc, sau 3 thế kỷ, chế độ quân chủ đã biến mất khỏi thế giới phương Tây.
Miễn nhiễm với phong trào này là Liên Xô và Trung Quốc. Có lẽ người dân ở hai đất nước này thánh khiết, không coi trọng đồng tiền, tin tưởng một mực vào chế độ sẽ đem lại hạnh phúc cho muôn dân!
Khác hẳn với các chế độ độc tài dùng roi vọt gông cùm để thúc đẩy, “tôn giáo” tư bản đã lợi dụng điểm yếu cố hữu của con người để buộc người dân làm nô lệ với tinh thần hoàn toàn “tự nguyện”: lòng tham tiền bạc và những món nợ ngập đầu. Mục đích chung quy vẫn là lợi dụng công sức và tài sản của quần chúng “ngu ngơ” để làm đầy túi tiền cá nhân và phe nhóm. Các thủ thuật ăn cắp thì vô cùng tinh vi, chẳng hạn in thêm tiền để gây lạm phát (anh có 10 đồng, tôi muốn lấy 1, tôi chỉ việc làm cho tiền mất giá 10% là anh đã bị móc túi mà không hề biết); chính phủ đi vay bừa bãi để thế hệ sau phải gánh nợ chồng chất; đầu cơ, làm giá hay lướt sóng trên các thị trường tiêu thụ hay tài chính; ….
“Ngoài xã hội, không ít người nhận ra những thủ thuật ăn cắp này. Tuy nhiên “tôn giáo” tư bản vẫn sử dụng một tuyệt chiêu khác: mua trước trả sau.  Không nơi nào mà một người tay trắng có thể mua nhà, tậu xe, sắm sửa tiêu xài như ở xứ Mỹ. Có thể bạn không muốn nợ, nhưng chắc chắn là vợ con và đa số thành viên gia đình bạn bè sẵn sàng “shop” dùm bạn. Đòi hỏi duy nhất: bạn phải có công việc và phải nô lệ nghiêm túc. Mất công việc là mất tất cả.
Vì lòng tham và vì cái giây xích nợ vô hình này, cả trăm triệu nô lệ Mỹ đã đẩy nền kinh tế và xã hội Mỹ lên đỉnh cao thế giới dưới danh nghĩa”thị trường và tự do”. Trong khi đó các xã hội “phong kiến cổ hủ” phải trì trệ trong đống bùn vì ngu xuẩn. Các lãnh đạo nơi đây không hiểu rằng con ngựa sẽ chạy nhanh hơn nếu bạn treo trước đầu nó một củ cà rốt tươi ngon; chứ không thể dùng roi siết cương suốt chặng đường dài.” – TS. Alan Phan (sáng lập viên của Alan Phan Associates)
Trong các lần thuyết giảng trước dân chúng, Chúa Jesus đã nói: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời.” Trong kinh thánh, đã kể một câu chuyện về người thanh niên có nhiều của cải đến gặp Chúa Jesus như sau:
Bấy giờ có một người đến thưa Đức Jesus rằng: ‘Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì đó tốt để được sự sống đời đời?’ Đức Jesus đáp: ’Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn. Người ấy hỏi: ‘Điều răn nào?’ Đức Jesus đáp: ‘Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ’, và ‘Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.’ Người thanh niên ấy nói:’Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?’ Đức Jesus đáp: ‘Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.’ Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Con người hầu như ở thời đại nào cũng vậy. Tham lam, ham muốn thật nhiều tài sản. Khi đã ăn no mặc ấm thì tiếp tục kiếm tìm thêm của cải. Chúng ta nô lệ cho những gì mình sở hữu (We are possessed by what we possess). Judas đã phản bội Chúa Jesus cũng chỉ vì 30 đồng bạc!

Vượt qua những giới hạn của sự nhận thức

Đã có quá nhiều cuộc tranh cãi giữa các ý thức hệ là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Theo quan điểm của tôi, cả ba chủ nghĩa trên là những biến thể của công nghiệp hóa. Chủ nghĩa tư bản là công nghiệp hóa do tư nhân chủ động, chủ nghĩa cộng sản là công nghiệp hóa do nhà nước chủ động, còn chủ nghĩa xã hội là sự pha trộn của cả hai.
Công nghiệp hóa mang lại của cải, chăm sóc y tế, giáo dục, giao thông, sự hào hứng và lạc thú. Tuy nhiên, công nghiệp hóa có thể không bền vững nếu không có thuộc địa để khai thác. Các quốc gia đã công nghiệp hóa đang phải vất vả duy trì mức sống của họ. Với các quốc gia mới đang nỗ lực công nghiệp hóa, nguồn lực cần thiết để thực hiện quá trình này càng trở nên khan hiếm hơn.
Để phục vụ mưu đồ khai thác thuộc địa của mình, các quốc gia đã công nghiệp hóa tung ra học thuyết “thị trường tự do” và “toàn cầu hóa”. Như các thấy, các học thuyết “lọc lừa” luôn đi trước để thuyết phục quần chúng “ngu ngơ”. Mục tiêu của hai học thuyết này là kêu gọi các nước mở cửa tối đa thị trường, giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế.
Hãy mở rộng tầm nhìn, chúng ta thấy gì? Kinh tế thị trường làm ra của cải tiền bạc nhưng chúng không đồng nghĩa với sự thịnh vượng. Những nhà máy khổng lồ sản xuất hàng hóa tiêu dùng khắp thế giới không đồng nghĩa người dân nơi đặt nhà máy hưởng đồng lương cao như lẽ ra họ phải được hưởng. Bởi lợi nhuận làm ra phần lớn bị hút vào những công đoạn vẫn được duy trì ở nước giàu. Điều làm cho người dân ở nhiều nước phẫn nộ là trong khi các tập đoàn tài chính phải nhận tiền đóng thuế của họ để tiếp tục tồn tại, các tay điều hành từng dẫn dắt họ đến con người nguy khốn hiện nay lại vẫn hưởng những khoản lương kếch sù.
Hiện nay, 20 phần trăm dân số giàu có nhất kiểm soát hơn 80 phần trăm tổng tài sản của thế giới. Phần lớn của cải trên Trái đất không còn do chính phủ của các quốc gia kiếm soát và điều tiết. Chúng thuộc về các công ty đa quốc gia dưới một số hình thức nằm ngoài quyền kiểm soát của các quốc gia và có giá trị lớn hơn tài sản của rất nhiều quốc gia trên thế giới.

“Nếu đơn giản hóa vấn đề, có thể thấy mô hình sản xuất xoay quanh một chữ V, dưới đáy là khâu sản xuất hay lắp ráp, ở hai đầu là các công đoạn “cao cấp” hơn như nghiên cứu, thiết kế hay tiếp thị, xây dựng thương hiệu. Toàn cầu hóa, với nhiều công ty đa quốc gia, là cố gắng đẩy các công đoạn nằm ở dưới đến các nước giá nhân công rẻ và giữ lại phần trên cho mình. Các nước cũng cố gắng trèo lên bậc thang giá trị để phát triển nhanh hơn. Vấn đề của toàn cầu hóa, vì vậy, chính là ở chỗ định giá một cách bất công các khâu sản xuất này, giá tiền công sản xuất lúc nào cũng thấp hơn nhiều lần, chiếm một tỉ trọng rất nhỏ trong một chiếc giày thời trang chẳng hạn.
Toàn cầu hóa được xem là đem lại cơ hội cho mọi người nhưng giá trị của cơ hội đó hoàn toàn khác nhau trong khi sản xuất đi liền với ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt, xáo trộn xã hội vì các dòng chảy lao động. Ở các khâu “cao cấp”, vũ khí bảo vệ “giá trị” chính là quyền sở hữu trí tuệ, được các nước phát triển bảo vệ bằng mọi giá – bởi chỉ bằng cách này họ mới định được giá cao. Chính rào cản sở hữu trí tuệ làm cho các nước nghèo khó lòng bứt phá lên được, trong khi làm ra bao nhiêu tiền phải đổ vào hết để trả cho các khâu “thiết kế” hay “xây dựng thương hiệu”.
Và để các nước chịu tham gia vào sự phân công khiên cưỡng này, luật lệ thương mại, mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho đồng vốn đầu tư được đặt ra và giám sát bằng cách định chế quốc tế. Kết quả là cả thế giới trở thành bãi thử sản phẩm với hàng loạt đời máy tính, điện thoại di động… đua nhau ra đời. Thử hỏi nếu chỉ vì thỏa mãn nhu cầu sử dụng, liệu toàn bộ số máy tính hay máy điện thoại đã sản xuất có quá đủ cho 6,4 tỉ người trên toàn thế giới sử dụng hay không? Một công việc bàn giấy bình thường cách đây mấy chục năm chỉ phải tiêu tốn một lần tiền cho một chiếc máy đánh chữ; nay ắt phải tiêu gấp mấy chục lần và tiêu liên tục cho cùng phương tiện làm việc – chiếc máy tính.” – Nguyễn Vạn Phú (Tổng thư ký Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Và trong kế hoạch thực hiện mưu đồ, không thể không kể đến kẻ tiếp tay: phương tiện truyền thông. Phương tiện truyền thông ngày đêm dội bom kích thích lòng ghen tỵ, ước muốn chiếm hữu, muốn hơn người khác. Nó tung ra hàng loạt các quảng cáo về các sản phẩm và được quảng bá biến từ “cái người ta muốn có” thành “cái người ta cần có”. Chính cái mô hình biến ước muốn của người tiêu dùng thành nhu cầu rồi tìm cách thỏa mãn cái nhu cầu đó đã làm tài nguyên trái đất ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm xảy ra khắp nơi trong khi không thể giúp hàng trăm triệu người khác có đủ cơm ăn áo mặc theo đúng nhu cầu rất sơ đẳng của họ.
“Khắp mọi nơi, từ văn hóa đại chúng cho đến hệ thống tuyên truyền, luôn có một sức ép khiến người ta cảm thấy rằng họ vô dụng, rằng vai trò duy nhất họ có thể có chỉ là thông qua những quyết định và tiêu thụ.” – Noam Chomsky
Hãy quan sát xung quanh chúng ta xem chúng ta cần làm gì vào lúc này. Với mức tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua, nguồn lực và tài nguyên của trái đất chắc cũng đủ để nuôi sống nhân loại, không để ai phải chết đói hay sống vật vờ dưới ngưỡng nghèo. Nhưng thử hỏi xem tại sao con người không đủ tỉnh táo để cùng nhau chia sẻ nguồn lực và tài nguyên ấy? Tại sao người giàu lại dùng đủ trăm phương ngàn kế để làm cho túi tiền của mình đầy hơn, đẩy đồng loại của mình nghèo đi? Thế giới đang cần lắm tình yêu, sự sẻ chia, sự yêu thương giữa người và người trong thời điểm này.
Rất nhiều những học giả, các bậc thiện tri thức, những chính trị gia và các nhà khoa học chân chính đã cảnh báo. Nhưng loài người làm gì. Ngoảnh mặt đi không thèm nghe. Con người hoa mắt với những đánh bóng hư ảo của các “nhân vật” xã hội, chỉ ước ao bắt chước mọi hành vi lố lăng của họ, đam mê các màn xiếc và trò giác đấu (thời La Mã) hay các giải bóng đá và những cuộc thi hoa hậu, lễ hội (thời nay) …
“Thật vậy sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường.” (Ti – mô – thê 4,3)

Hãy mang ánh sáng đến với thế giới

“Người ta nói vô tâm thì vô lo, những gì bạn không biết thì không thể làm hại bạn. Chúng ta thường chỉ muốn thu mình trong cái thế giới nhỏ nhoi của ta, tránh xa những gắng nặng mà sự thật có thể đem lại. Người mù đâu thể nhìn thấy cái xấu, người điếc chẳng thể nghe điều tệ hại, còn người vô tâm thậm chí không có khái niệm gì.” – Trần Hùng John (tác giả cuốn sách John đi tìm Hùng)
Bạn có thể lựa chọn cuộc sống vô tâm, lựa chọn sự dối trá hay lựa chọn sự thật. Đó là quyền mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho bạn. Tôi không có quyền phán xét. Với tôi, tôi chọn sự thật. Sự thật đem lại nhiều cay đắng nhưng lại mang tới sự khai sáng và nhận thức đúng đắn. Nhận thức đúng sẽ dẫn tới hành động đúng. Hành động phát sinh hành động. Sự thật giúp chúng ta có được con mắt tinh tường, phân biệt phải trái đúng sai, đem lại sự khôn ngoan chân thật.
“Đèn của thân thế là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mất anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào.” – Chúa Jesus
Hãy cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Hãy hy sinh. Hãy dấn thân. Chúng ta hãy mang tình yêu và ánh sáng của sự nhận thức đi khắp mọi nơi. Chúng ta hãy trở thành những người đi gieo giống. Tôi tin chúng ta sẽ thành công. Vì chúng ta là thế hệ trẻ.
Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Những lời nói cuối cùng của Chúa Jesus với các môn đệ trước khi Người bị đóng đinh vào Thập Tự)
Để kết thúc bài viết , tôi xin trích dụ ngôn người đi gieo giống trong kinh thánh, các bạn hãy thử tự mình giải thích nhé. Chúng các bạn thành công trên con đường bạn đã chọn.

“Người đi gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.” – Chúa Jesus
 
Khải Huyền
Nguồn:triethocduongpho.com
 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận